Cam kết hỗ trợ đổi trả hàng tới 20 ngày
Hotline - 0866790365
10/03/2022 0 Bình luận

8 bí quyết làm video review sản phẩm thành công

Video review hiện đã không còn xa lạ với nhiều người, đặc biệt với những ai làm kinh doanh, tiếp thị sản phẩm trên mạng internet.   Video review sản phẩm là cách đơn giản, hiệu quả để công ty, doanh nghiệp hay người bán hàng nói chung giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng. Ngày nay còn xuất hiện nhiều cá nhân chuyên review sản phẩm trên Youtube rất nổi tiếng, thu hút sự quan tâm rất lớn từ công chúng.   Có khá nhiều cách làm video review sản phẩm khác nhau, tùy theo phong cách, điều kiện của từng người. Tuy nhiên làm video review sản phẩm thế nào cho hay, cho hiệu quả là nỗi trăn trở của không ít bạn trẻ mới tìm hiểu về công việc này.   Dưới đây là 8 bí quyết, hay cũng có thể gọi là công thức chung để tạo nên 1 video review sản phẩm thành công:   1. Ý tưởng độc đáo   Xác định chủ đề và lên ý tưởng là khâu bắt buộc trước khi bạn sản xuất video.   Ý tưởng sẽ quyết định chất lượng của video. Clip của bạn có hay, có khác lạ, hấp dẫn hay không rất cần một ý tưởng tốt.   Đa phần mọi người làm video review sản phẩm thường theo một mô tuýp truyền thống. Bạn cũng có thể làm như vậy nhưng bạn sẽ khó nổi bật và khiến khán giả nhớ tới bạn.   Hầu hết các kênh review thành công đều mang phong cách rất riêng. Có kênh tập trung vào xây dựng hình ảnh đẹp, kỹ xảo hiện đại; có kênh mang phong cách hài hước; có kênh lại đi đầu trong các thử nghiệm mới – lạ khiến khán giả luôn bất ngờ…   Một kênh review chuyên kiểm tra, thử nghiệm độ bền của Smartphone có tới hơn 2 triệu người theo dõi trên Youtube   Nếu bạn bí ý tưởng, có thể tham khảo rất nhiều kênh review trên Youtube. Lĩnh vực này ở nước ngoài rất phát triển, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều từ họ. Nhưng lưu ý, mọi ý tưởng của bạn phải khả thi.   Khi đã có ý tưởng hay, các phần việc tiếp theo sẽ nhiều cảm hứng và suôn xẻ hơn.   2. Đánh giá sản phẩm càng chi tiết càng tốt   Rõ ràng mục đích của người xem khi tìm tới video review là để tìm hiểu thông tin về sản phẩm. Nếu video của bạn giải quyết được đầy đủ vấn đề của khách hàng, họ sẽ thốt lên “ồ, bài viết rất hay và chi tiết”. Ngược lại, nếu bạn đánh giá sơ sài, họ sẽ phải tiếp tục tìm sang một video của người khác. Và thật không may nếu như đối thủ của bạn làm tốt hơn bạn.   Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý đánh giá chi tiết không có nghĩa là bạn dài dòng lan man khiến người xem cảm thấy nhàm chán. Thậm chí thoát ra vì video không đi vào trọng tâm.   3. Luôn gắn tính năng đi kèm với lợi ích   Nếu bạn chỉ nêu được tính năng của sản phẩm thôi là chưa đủ. Điều quan trọng tính năng đó giúp ích gì cho người dùng. Ví dụ, đoạn giới thiệu về máy giặt sau:   “Máy giặt Samsung WA10 có tải trọng tối đa 10kg, chạy động cơ inverter với 6 chế độ giặt thông minh”   Đoạn văn trên cơ bản mới nêu được tính năng. Có thể chỉ rõ lợi ích bằng cách viết lại thế này:   “Máy giặt Samsung WA10 có tải trọng tối đa 10kg với 6 chế độ giặt thông minh như giặt ban đêm không gây ồn ào; chế độ giặt cho từng loại vải giúp bảo vệ quần áo của bạn. Động cơ inverter tiết kiệm điện của máy hoạt động rất hiệu quả. Trong tháng đầu sử dụng, tiền điện gia đình mình đã giảm 10% so với trước kia”.   Hãy đánh giá sản phẩm ở góc nhìn của một người trải nghiệm. Tâm lý mọi người thường thích nghe đánh giá của một người dùng thực sự hơn những lời quảng cáo từ phía nhà sản xuất.   4. Nêu điểm nổi bật của sản phẩm Nội dung đều đều từ đầu tới cuối sẽ không đọng lại điều gì trong tâm trí khán giả. Bạn hãy cố gắng khai thác, tìm một chi tiết nổi bật, khác biệt của sản phẩm để nhấn mạnh trong video của mình.   Chẳng hạn như “Đây là chiếc điện thoại đầu tiên có khả năng chống nước”; “Bột giặt duy nhất trên thị trường không hại da tay”; “Đơn giản, dễ sử dụng là ưu điểm lớn nhất của sản phẩm này”…   Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng hội tụ đủ các yếu tố lý tưởng như vậy. Sẽ có lúc bạn cảm thấy rất khó để tìm ra điểm nổi bật trong sản phẩm của mình. Vậy thì phải làm sao?   Ở đây mình có một mẹo, hãy biến những bất lợi thành ưu điểm. Thực tế hầu như mỗi sản phẩm đều có lợi thế riêng. Ví dụ như sản phẩm chất lượng chưa tốt thì có lợi thế giá rẻ; một sản phẩm chất liệu nhựa có thể không sang trọng và chắc chắn nhưng có ưu điểm gọn nhẹ… Nếu bạn phát hiện ra những ưu điểm ngay cả nhà sản xuất cũng không tính tới thì lại càng có giá trị.   5. Đánh giá khách quan Không sản phẩm nào là hoàn hảo. Bên cạnh những ưu điểm, bạn cũng cần nêu ra một số mặt nhược điểm – hạn chế ở mức chấp nhận được. Điều này sẽ không khiến khách hàng quay lưng với sản phẩm. Trái lại, video review của bạn sẽ càng khách quan và chiếm được cảm tình của người xem.   6. Trình bày cuốn hút Có rất nhiều bạn mới làm video review chép nguyên cả đoạn giới thiệu tính năng sản phẩm từ website của nhà sản xuất, sau đó đọc lại như một cái máy. Đây là cách làm rất thiếu sáng tạo và nhàm chán. Người xem sẽ quit khỏi kênh của bạn ngay lập tức.   Thay vì mở đầu một cách máy móc theo công thức: Xin chào các bạn! Hôm nay mình sẽ review cho các bạn xem sản phẩm a,b,c. Sản phẩm a,b,c được sản xuất ngày… tháng… năm… gồm có các tính năng a,b,c…   Bạn có thể mở đầu video bằng một trong những vấn đề mà khách hàng hay gặp phải. Sau đó, sản phẩm xuất hiện như một giải pháp. Ví dụ đi bơi điện thoại không may rơi xuống nước hỏng, để mở đầu video giới thiệu túi chống nước cho điện thoại; bị lạc trong rừng mà điện thoại bị hết pin đột ngột để dẫn dắt cho video review về sạc dự phòng… Khi bạn nhắm trúng nỗi đau khách hàng đang gặp phải, họ sẽ tiếp tục xem để tìm giải pháp.   Thu hút bằng cách gây ấn tượng ngay từ những giây đầu tiên. Cách làm này có thể áp dụng với sản phẩm có những tính năng mới – lạ. Ví dụ chiếc iPhone X khi mới ra mắt có khả năng nhận diện khuôn mặt; camera kép chụp ảnh xóa phông; quay phim 4K 60fps; sử dụng sạc không dây… Bạn hãy liệt kê chúng ra và mở đầu bằng những tính năng đáng chú ý nhất.   Một trong những cách phổ biến khác để thu hút người xem là: Tập trung vào tính giải trí.   Ví dụ video review mang phong cách hài hước thường có lượng xem rất khủng. Đừng nghĩ chỉ có những team lớn mới có khả năng sản xuất video hài hước.   Nếu bạn không có nhân sự, cũng chẳng có khả năng diễn xuất, bạn có thể sử dụng thủ thuật cắt ghép để biến của người khác thành của mình. Bạn có thể khai thác từ rất nhiều nguồn như phim hài, hoạt hình, video từ các kênh khác… Quan trọng bạn cần lồng ghép sao cho hợp bối cảnh. Đây là kỹ thuật hiện đang được sử dụng khá nhiều ở các kênh youtube hài trong nước.   7. Luôn nghĩ cho người dùng Hồi trước mình có tìm mua một chiếc Osmo Plus (thiết bị quay phim) nhưng thiết bị này có nhược điểm không gắn được lên chân máy thông thường. Trong khi tripod của hãng lại quá đắt. Thật may mắn nhân viên nam của cửa hàng tư vấn cho mình mua một cái Base chỉ 200K. Thiết bị này giúp mình đặt được máy ở trên bàn. Hay hơn là có thể gắn, dùng chung với tripod máy ảnh thông thường đã có ở nhà. Tính ra nhờ lời tư vấn của nhân viên này mà mình đã tiết kiệm được gần 1,5 triệu vì không phải mua thêm một chiếc tripod.   Cách kinh doanh của cửa hàng đã thực sự ghi điểm trong mắt khách hàng.   Khi làm video review sản phẩm bạn cũng nên áp dụng bài học này. Cố tình khuếch đại, quảng cáo sai sự thật sớm muộn gì cũng khiến khách hàng quay lưng lại với bạn. Đừng cố nài nỉ họ mua sản phẩm của bạn. Thay vào đó hãy tư vấn người dùng mua sản phẩm phù hợp và tiết kiệm nhất.   8. Kêu gọi hành động Nếu bạn là một người bán hàng thì đây là công việc quan trọng không nên bỏ qua.   Sau tất cả những gì bạn đã giới thiệu tới khách hàng, hãy mạnh dạn đưa ra lời mời chào hấp dẫn. Ví dụ như hứa giảm giá cho 100 khách hàng đầu tiên, free ship hay tặng một vài món quà nho nhỏ…   Với những người là Youtube họ có thể kêu gọi người xem sub, like để theo dõi các video tiếp theo.   Tóm lại khi bạn đem tới cho khách hàng những thông tin giá trị, bạn hoàn toàn có thể kêu gọi họ đáp lại bằng hành động nào đó. Đó cũng là cách tốt để tăng tương tác giữa bạn và khán giả của mình./

Xem thêm
10/03/2022 0 Bình luận

Sửa lỗi điện thoại không nhận micro ngoài khi quay video

Chắc hẳn với nhiều bạn trẻ làm vlog, youtuber, việc sử dụng thêm micro ngoài là giải pháp không tồi nhằm nâng cao chất lượng âm thanh khi quay video. Tuy nhiên, không phải ai mua mic về cũng dùng được ngay. Mình từng nhận được rất nhiều các câu hỏi kiểu như: “Tại sao điện thoại Xiaomi không nhận micro ngoài”; “Điện thoại Oppo không nhận micro gài áo”; “Điện thoại Samsung, Huawei, Sony không nhận mic khi quay video?”…   Cũng có nhiều bạn dùng mic rồi mà thấy chất lượng âm thanh vẫn không khác biệt gì so với thu từ điện thoại. Thực chất là do micro chưa hoạt động.   Rõ ràng, điện thoại không nhận micro ngoài là lỗi khá phổ biến khi làm video. Lỗi này xuất hiện nhiều hơn trên các dòng smartphone chạy hệ điều hành android.   Nguyên nhân điện thoại không nhận micro ngoài   Tất nhiên, đầu tiên chúng ta cần loại bỏ nguyên nhân do lỗi cài đặt, sử dụng sản phẩm sai hướng dẫn. Vì mỗi sản phẩm đều có cách sử dụng khác nhau, do đó, trong bài viết này, mình chỉ đề cập đến các lỗi thuộc về khách quan. Trường hợp bạn đã làm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng điện thoại không nhận mic thì hãy nghĩ tới những nguyên nhân sau:   Phần mềm quay video của điện thoại không nhận mic (98%)   Lỗi này do phần mềm quay video của điện thoại không tương thích với mic, hay nói cách khác là không nhận micro.   Có tới 98% điện thoại android gặp phải lỗi này.   Theo kinh nghiệm của mình, đa phần các phần mềm quay video mặc định trên smartphone android như Xiaomi, Oppo, Huawei, Sony đều không nhận được micro ngoài. Riêng Samsung thì máy nhận máy không.   Điều đáng nói, lỗi không nhận mic thường chỉ xảy ra với phần mềm quay video. Còn đa số phần mềm ghi âm audio thì vẫn hoạt động bình thường (cũng có vài trường hợp cả 2 phần mềm video và audio đều không nhận).   Do vậy, cách kiểm tra đơn giản nhất mà bạn nên làm đầu tiên đó là thử ghi âm bằng phần mềm thu audio. Các smartphone hiện nay đều có sẵn phần mềm ghi âm mặc định.   Các phần mềm ghi âm khi hoạt động đều hiển thị tín hiệu âm thanh, hay còn gọi là sóng âm thanh. Hãy để ý chút bạn sẽ thấy, khi thu vào âm lượng lớn, xương âm thanh to hơn và ngược lại nó sẽ nhỏ đi khi âm lượng bé. Đây là yếu tố để bạn có thể dễ dàng biết được micro có hoạt động hay không.   Sóng âm thanh (hay còn gọi là xương âm thanh) hiển thị khi ghi âm   Để loại trừ khả năng nhầm lẫn với micro của điện thoại, bạn nên kéo micro ra xa để thử (nếu dây dài), nói nhỏ hoặc vỗ nhẹ vào đầu mic. Nếu có tín hiệu âm thanh, chứng tỏ mic vẫn hoạt động tốt. Lúc này có thể khẳng định lỗi do phần mềm quay video. *Lưy ý: bạn cũng có thể kiểm tra bằng cách nghe lại đoạn ghi âm vừa thu. Nhưng phải nhớ rút mic ra khỏi cổng 3.5mm vì điện thoại có thể hiểu lầm micro là tai nghe nên sẽ không phát ra loa ngoài. Để kiểm tra chính xác nhất, bạn nên dùng tai nghe..    -Cách khắc phục: Có thể hiểu lỗi phần mềm quay video không nhận micro ngoài là do các app này không được lập trình để chuyển đổi linh hoạt giữa micro ngoài và micro của điện thoại.   Điều này thì iPhone đã “thông minh” hơn hẳn các điện thoại android. Khi bạn cắm thêm micro ngoài, iPhone sẽ tự động chuyển sang sử dụng với micro ngoài. Do đó, phần mềm quay video tất cả các dòng iPhone đều sử dụng tốt với micro ngoài mà không cần thêm bất kỳ thao tác cài đặt nào.   Vậy với điện thoại android làm sao để khắc phục tình trạng điện thoại không tự nhận micro ngoài?   Việc bạn cần làm lúc này là lên chợ ứng dụng tải các phần mềm, app quay video cho phép cài đặt linh hoạt giữa 2 chế độ sử dụng micro mặc định của điện thoại và sử dụng micro ngoài.   Có rất nhiều phần mềm quay video có thể sử dụng với micro gắn ngoài. Bao gồm cả những phần mềm trả phí chuyên nghiệp cho tới free. Tuy nhiên, ở đây mình sẽ chỉ giới thiệu 2 phần mềm miễn phí và được đánh giá chất lượng khá tốt.   1. Open Camera   Đây là phần mềm chụp ảnh – quay video sử dụng mã nguồn mở nên hoàn toàn miễn phí. Sau khi tải app về bạn vào phần cài đặt.     Cài đặt video   Tìm đến “Nguồn âm thanh”   Chọn “Sử dụng micro ngoài” – xong.   Bây giờ bạn hãy thử lại bằng cách quay thử một đoạn video bằng Open Camera và kiểm tra chất lượng âm thanh.   2. Cinema FV5   Cinema FV5 cũng là app quay video khá thú vị cho phép tùy chỉnh sử dụng microphone. Sau khi tải phần mền, bạn vào cài đặt tìm tới biểu tượng cái loa, chọn => audio Source => External mic:     Nếu bạn đã thử cả 2 phần mềm kể trên mà vẫn không thành công, hãy nghĩ tới nguyên nhân tiếp theo.   Cổng kết nối bẩn   Điện thoại của chúng ta sau một thời gian sử dụng thường bị bám bụi, nhất là ở các lỗ tai nghe, cổng kết nối. Trong đó, cổng kết nối 3.5mm thông dụng cho micro ngoài cũng không ngoại lệ.   Cổng kết nối bị bẩn ít thì có thể làm giảm chất lượng thu âm, tiếng thu bé, có tiếng rè, âm thanh bập bõm lúc được lúc không… Nếu có quá nhiều bụi bẩn có thể dẫn tới điện thoại không nhận được mic.   Với trường hợp cổng kết nối bị bẩn, chúng ta không thể sử dụng cách test như ở trường hợp 1. Bạn có thể sử dụng đèn Pin và quan sát bằng mắt thường.   Tốt nhất bạn nên lấy tăm bông loại nhỏ thấm vào dung dịch cồn lau sạch bụi bẩn. Lưu ý đừng để các sợi bông kẹt lại bên trong sau khi vệ sinh.   Adapter - cáp chuyển đổi âm thanh không hỗ trợ   Trong trường hợp điện thoại của bạn không có cổng âm thanh 3.5mm. Ví dụ iPhone 7 trở lên chỉ có chân lightning, Sam sung nhiều đời máy hiện cũng chỉ có cổng Type C. Bạn sẽ cần đến adapter - cáp chuyển đổi ra cổng tròn 3.5mm của mic.   Hãy chọn mua những chiếc cáp chính hãng ở nơi uy tín hoặc ngay tại nơi bán mic để đảm bảo tính tương thích.    Cáp chuyển đổi lightning cho iPhone: BẤM VÀO ĐÂY     Trên thị trường có những chiếc cáp chuyển đổi lightning hay type C giá quá rẻ, chỉ vài chục tới hơn 100K. Hầu hết những cáp chuyển đổi này chỉ hỗ trợ nghe nhạc mà ko thể thu âm hoặc thu âm chập chờn.   Micro thu âm lỗi   Nếu Micro của bạn là sản phẩm mới thì trường hợp này chiếm tỷ lệ rất nhỏ.   Để xác định có phải lỗi do micro hay không, bạn cần kiểm tra kỹ để tránh nhầm lẫn, mất công đi bảo hành, sửa chữa. Hãy test thêm trên nhiều thiết bị. Có thể mượn thêm điện thoại, thử test với cả iPhone và android… hoặc máy tính, máy ảnh, máy quay (nếu có).   Nếu bạn đã thử áp dụng tất cả những cách trên mà micro vẫn không hoạt động, lúc này mới có thể khẳng định micro lỗi và bạn cần gửi đi bảo hành.   Mình hi vọng rằng bạn chỉ nằm trong hai trường hợp ở trên. Chúc bạn may mắn và có thể sử dụng được micro sau khi đọc bài viết này !

Xem thêm