Cam kết hỗ trợ đổi trả hàng tới 20 ngày
Hotline - 0866790365
13/03/2022 0 Bình luận

Đồng bộ âm thanh trong Premiere CC dễ dàng không cần plugin

Đây là phương pháp để âm thanh thu từ nhiều nguồn thiết bị khác nhau được đồng bộ trên timeline (không bị lệch tiếng, lệch hình) khi dựng phim trên phần mềm Premiere CC mà không cần cài thêm bất kỳ plugin nào.   Trong làm phim, ngoài mic thu âm của camera, đôi khi chúng ta còn phải kết hợp thêm thiết bị khác (máy ghi âm, điện thoại) để chất lượng thu âm được tốt hơn. Ví dụ bạn phỏng vấn nhân vật trong bối cảnh quá ồn ào mà không có mic rời. Lúc này có một mẹo, đó là bạn sử dụng chiếc smartphone của mình như một nguồn thu âm thứ hai để sát miệng của nhân vật giúp thu giọng nói được rõ hơn.   Tuy nhiên, sau khi copy tất cả các file video và audio này vào máy dựng bạn gặp vấn đề không thể khớp được âm thanh thu từ smartphone với âm thanh, hình ảnh của camera. Điều này có thể dẫn tới các hiện tượng lệch âm thanh (miệng nhân vật nói trước, tiếng phát ra sau hoặc ngược lại).   Để xử lý vấn đề này, bạn phải đồng bộ được âm thanh thu từ smartphone với âm thanh thu từ camera.   -Cách thứ nhất: Bạn kéo track âm thanh thu từ smartphone xuống timeline audio ngay dưới track âm thanh của file video quay từ camera. Sau đó click chuột phải vào thanh thước kẻ trên time line chọn => time ruler numbers. Dựa vào thanh thước kẻ hiển thị thơi gian vừa mở lên, bạn hãy nhìn sóng âm thanh và kéo cho 2 track âm thanh khớp với nhau.   Click chuột phải chọn “Time ruler numbers” để hiện thanh thước kẻ thời gian chi tiết hơn   Tuy nhiên, cách làm thủ công này rất nhọc và độ chính xác không cao. Do đó, chúng ta đi vào tìm hiểu cách thứ hai – tính năng tự động đồng bộ âm thanh rất tuyệt vời có trong premiere CC.   -Cách 2: Bạn đặt 2 track âm thanh cạnh nhau. Quét con trỏ chuột để chọn cả 2 track. Click chuột phải chọn => Synchronize. Một hộp thoại hiện lên, bạn bấm ok là phần mềm sẽ tự động đồng bộ cho bạn.   Hộp thoại Synchronize Clip hiện lên, nếu không muốn tùy chỉnh nâng cao cứ click OK, đợi phần mềm load một lúc là hoàn thành   Sau khi đồng bộ, bạn hãy nghe thử xem âm thanh đã khớp chưa. Để tránh bị sai lệch khi dựng, bạn có thể click chuột phải chọn tính năng “group” để liên kết chúng lại với nhau. Hoặc cũng có thể xóa bỏ file âm thanh thu từ camera, để giữ lại file thu âm tốt.   Sóng âm thanh của 2 track đã được căn thẳng hàng sau khi đồng bộ   Với phương pháp này, bạn cũng có thể áp dụng để đồng bộ video được quay từ nhiều camera khác nhau. Sau đó kết hợp với tính năng dựng multicam để có được video với nhiều góc quay sinh động khác nhau.   Chúc bạn thành công !

Xem thêm
12/03/2022 0 Bình luận

10 bí quyết để có bố cục hình ảnh đẹp trong quay phim

Nếu bạn là một người thích quay phim – chụp ảnh, chắc hẳn đã từng ít nhất một lần nghe tới khái niệm Bố cục hình ảnh.   Hiểu đơn giản, bố cục hình ảnh là việc bạn sắp xếp, lựa chọn những chi tiết – đường nét sẽ xuất hiện trong từng khuôn hình. Cho dù bạn quay phim bằng thiết bị gì, đều phải hiểu về bố cục hình ảnh nếu muốn có tác phẩm tốt.   Mục đích cơ bản của việc lấy khuôn hình và bố cục cho các cảnh quay nhằm:   - Cho thấy hình ảnh rõ nét nhất có thể - Trình bày hình ảnh sao có thể truyền tải được ý nghĩa và năng lượng - Làm cho câu chuyện hay hơn – truyền tải bằng nội dung và hình ảnh   Với những người quay phim không chuyên, lỗi về bố cục là lỗi phổ biến nhất khiến chất lượng tác phẩm không cao. Vậy ngay lúc này hãy dành thời gian nghiên cứu 10 bí quyết sau để nhanh chóng cải thiện kỹ năng quay phim của bạn.   1. Mỗi cảnh quay cần có lý do     Trước khi bấm máy, hãy luôn tự hỏi “mục đích của cảnh quay này là gì?” Trả lời được câu hỏi đó bạn sẽ biết cách kể câu chuyện của mình bằng ngôn ngữ hình ảnh.   Ví dụ hình ảnh khuôn mặt lấm lem khói đen của nạn nhân vừa thoát khỏi đám cháy; ánh mắt hoảng loạn; khung cảnh hoang tàn thể hiện sự tàn khốc… Mỗi hình ảnh cần chứa thông tin hoặc góp phần truyền tải thông điệp cho toàn bộ video.   2. Thần chú “toàn – trung – cận”   Ở bài cách quay phim bằng điện thoại, mình có nói qua về cỡ cảnh và ý nghĩa của nó. Cỡ cảnh là kỹ thuật bạn sẽ phải sử dụng rất nhiều. Thông qua kỹ thuật lấy khuôn hình – cỡ cảnh, bạn sẽ quyết định những gì sẽ xuất hiện trong hình ảnh.   Trên sách vở chúng ta có tới 5 cỡ cảnh.   Viễn Cảnh   Cảnh quay giới thiệu bối cảnh   Toàn cảnh   Cũng giống viễn cảnh nhưng camera đặt gần chủ thể hơn   Trung cảnh   Chú ý tránh để cạnh dưới của khuôn hình cắt ngang đầu gối, thắt lưng và khủy tay của nhân vật. Nên để cao hoặc thấp hơn một chút.   Cận cảnh     Đặc tả     Khi quay phim bạn hãy cố gắng luôn quay đủ 5 cỡ cảnh kể trên. Tuy nhiên, bạn không cần phải áp dụng chúng một cách quá cứng nhắc. Ví dụ như viễn cảnh đôi khi có thể hiểu là toàn cảnh và đặc tả được coi như cận cảnh. Như vậy, mỗi khi quay phim bạn chỉ cần nhớ thần chú “toàn – trung – cận” coi như đã thuộc bài.   3. Không đặt chủ thể chính ở giữa khuôn hình     Đây là điểm mấu chốt trong quy tắc 1/3. Quy tắc này được phát hiện bởi các nghệ sĩ Hi Lạp cổ đại, sau đó được tất cả các nghệ sĩ áp dụng, từ nhiếp ảnh gia, họa sĩ đến những người làm đồ họa.   Trong quy tắc 1/3, hình ảnh được chia làm 3 phần bằng nhau theo cả chiều ngang và chiều dọc.   Với quy tắc này, bạn nên đặt vật thể muốn tạo điểm nhấn vào các đường thằng và những điểm giao cắt giữa chúng.   Một số hình ảnh áp dụng theo quy tắc 1/3   Với quy tắc này thì đường chân trời nên ở 1/3 phía trên hoặc 1/3 phía dưới khuôn hình. Các đường thẳng đứng không nên chia  khuôn hình thành 2 phần bằng nhau.   Ngoài ra, bạn cố gắng đặt đường chân trời thẳng hàng với đường gạch ngang. Tuy nhiên vẫn có không ít trường hợp ngoại lệ. Ví dụ khi để góc máy nghiêng thì đường chân trời sẽ là đường chéo.   4. Loại bỏ chi tiết rườm rà   Có rất nhiều người khi quay phim tưởng cứ thu được càng nhiều hình ảnh vào trong khuôn hình thì càng tốt. Hình ảnh cũng là một loại thông tin. Trong một khung hình có quá nhiều thông tin sẽ khiến người xem bị rối, không biết bạn muốn truyền tải điều gì. Nhất là với video, mỗi khung hình thường chỉ xuất hiện vài giây rồi chuyển qua cảnh khác, sự mạch lạc ở mỗi khuôn hình lại càng cần thiết hơn.   Tương tự, trong quay phim bạn cần đặc biệt chú ý những vật thể “vô duyên” xuất hiện có thể phá hỏng cả khung hình của bạn. Ví dụ như một bức tranh thủy mạc nên thơ không nên xuất hiện một chiếc cột điện hay nhà cao tầng lấp ló phía sau. Hình ảnh theo phong cách tối giản với 2 chú chim là điểm nhấn trên nền bầu trời xanh   Trong nhiếp ảnh, bạn càng tối giản bao nhiêu, hình ảnh càng dễ xem bấy nhiêu và thông điệp bạn truyền tải sẽ rõ ràng hơn.   5. Sử dụng tiền cảnh và hậu cảnh có ý đồ   Tiền cảnh là những gì xuất hiện ở trước chủ thể chính, còn hậu cảnh là những gì đứng sau chủ thể chính. Nếu có một tiền cảnh và hậu cảnh đẹp, tại sao bạn không khéo léo đưa nó vào khuôn hình.   Ví dụ như trong hình ảnh dưới đây, thiếu nữ (là nhân vật chính) được đặt trước tiền cảnh là hoa tam giác mạch và hậu cảnh là thung lũng – khung cảnh rất đặc trưng của vùng núi Tây Bắc.   Không chú trọng tới tiền cảnh, hậu cảnh là một trong những lỗi rất phổ biến ở những người mới học quay phim. Ví dụ bạn mất công lên tận Mù Cang Chải để làm vlog nhưng bạn lại đứng ở một bụi cây hay một mô đất nào đó chẳng có gì đặc trưng để ghi hình thì cũng chẳng khác gì bạn quay phim ở nhà. Nhưng nếu bạn biết chọn vị trí để lấy được hậu cảnh phía sau là những ruộng bậc thang trùng điệp, nhưng ngôi nhà đặc trưng của người dân tộc, những đứa trẻ vùng cao… Lúc đó người xem sẽ hiểu ngay rằng “à! bạn ấy đang đi vùng cao”.   6. Tránh các lỗi thường gặp khi quay nhân vật   Thừa khoảng không trên đầu Thừa quá nhiều khoảng không trên đầu là lỗi rất cơ bản mà nhiều người hay mắc phải trong quay phim, chụp ảnh chân dung. Hình ảnh mắc lỗi bố cục này sẽ mất cân đối, cảm giác nhân vật bị lùn, bé đi.     Không có khoảng không trước mũi Điều này khiến cho hình ảnh kỳ quặc và mất cân đối – con người dường như bị bó buộc bởi rìa của màn hình.   Không có khoảng không trước mặt   Tương tự, lỗi không có khoảng không trước mặt khiến người hoặc vật thể đang chuyển động có vẻ như bị ngăn cản hoặc bị chặn lại bởi rìa màn hình . Chúng ta đều thích xem nơi mà nhân vật đang tới chứ không  phải nơi nhân vật từng qua. Tuy nhiên, ở một số trường hợp thì để khoảng không phía sau sẽ thể hiện ý nghĩa của sự ra đi, bỏ lại phía sau là những gì trống vắng, hụt hẫng…   Sai góc máy Lỗi này rất phổ biến khi các bạn nam chụp ảnh cho các bạn nữ. Do bạn nam cao hơn, nếu đứng thẳng góc máy sẽ chiếu từ trên xuống. Kết quả, nhân vật trong ảnh không khác gì bị “dìm hàng”.   ảnh trái, góc máy chiếu từ cao xuống khiến 3 bạn nữ bị “lùn” hơn so với thực tế   Nói như vậy không có nghĩa chúng ta không được sử dụng góc máy từ cao xuống thấp. Điều quan trọng cần sử dụng góc máy đúng hoàn cảnh.   Về cơ bản chúng ta sẽ có 3 góc máy:   Góc máy từ cao xuống thấp khiến chủ thể bị nhỏ bé. Góc máy từ thấp lên cao khiến chủ thể trông to lớn, uy nghiêm hơn. Góc máy vừa tầm mắt, dễ chịu cho người xem. Đây cũng là góc máy được sử dụng nhiều với các cảnh thông thường.   7. Số lẻ luôn tốt hơn số chẵn Chi tiết này thường ít người để ý nhưng nếu kiểm soát được số lượng các vật thể trong khung hình cũng sẽ tác động tới bố cục hình ảnh. Thông thường số vật thể chính là số lẻ thường có bố cục mạnh hơn số chẵn.     Ví dụ như hình trên: ảnh đầu, hai con búp bê Nga dường như chia đôi bố cục, khi vật thể thứ ba được thêm vào và sử dụng cả khoảng trống (ảnh thứ hai), bố cục đẹp hơn.   8. Các chi tiết, vật thể trong ảnh cần có sự gắn kết   Ví dụ hai nhân vật nhìn nhau sẽ tốt hơn cả hai cùng nhìn vào ống kính.     Trong quay phim thì hình ảnh càng tự nhiên càng tốt, để người xem có cảm giác trực tiếp chứng kiến câu chuyện chứ không phải có sự xuất hiện của ống kính.   Hay như trong khuôn hình này, tác giả sử dụng thủ pháp các đường dẫn trong ảnh hướng ánh mắt của người xem vào chủ thể chính.   Con đường hướng ánh mắt người xem vào ngọn núi hùng vĩ   9. Nghệ thuật ẩn dụ qua chuyển động và đường nét Chuyển động   Với video bạn nên thường xuyên có các cảnh chuyên động, nếu không sẽ chẳng khác gì ảnh tĩnh. Đằng sau chuyển động trong video lại là những ý đồ nghệ thuật.   Chuyển động từ vùng tối đến vùng sáng có thể tượng trưng cho sự giải phóng và thăng hoa cảm xúc. (Ví dụ tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm). Chuyển động theo chiều đi lên, kể cả động tác đơn giản là một người đứng lên khỏi chiếc ghế cũng thu hút sự chú ý bởi nó gợi ý về sự tiến triển hoặc tiến bộ. Chuyển động theo chiều đi xuống. Ví dụ một người đàn ông đổ phịch người xuống ghế đệm, thể hiện sự mệt mỏi, thất vọng.   Chuyển động từ trái sang phải thường có sự kết nối tốt hơn là chuyển động từ phải sang trái (có thể ảnh hưởng từ cách đọc chữ).   Đường nét   Các đường thẳng (đường chân trời) gợi cảm nhận yên bình, thanh tĩnh hoặc ổn định.     Các đường cong chữ S thể hiện sự mềm mại, gợi cảm. Đây là một trong những thủ pháp bố cục được ưa chộng nhất.   Ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) là một trong những hình mẫu về bố cục đường cong trong nhiếp ảnh   Các đường chéo gợi sự kịch tính và mạnh mẽ.   Hướng đi của hai chú ngựa cùng với đường chéo của dây điện tạo cảm giác chúng đang vươn lên phía trước rất mạnh mẽ   Điểm nhấn   Trong mỗi khuôn hình nên có một điểm nhấn. Ví dụ trong hình ảnh ruộng bậc thang trên, điểm nhấn chính là cái chòi canh nhỏ.   10. Đừng ngại đạo diễn hình ảnh   Hầu hết những người làm phim không chuyên có thói quen mở máy lên là quay mà không có sự bố trí, sắp xếp. Đơn giản vì họ ngại. Quay ngẫu hứng kiểu này cho hình ảnh tự nhiên hơn nhưng lại khá may rủi (thường thì rủi nhiều hơn). Không chỉ làm phim chuyên nghiệp mới cần đạo diễn hình ảnh, công đoạn này thực sự rất quan trọng ngay cả khi bạn làm phóng sự, vlog, video quảng cáo sản phẩm, video hướng dẫn…   Việc đạo diễn, sắp xếp để có được bố cục hình ảnh tốt hơn sẽ giúp bạn luôn giữ thế chủ động. Tiết kiệm thời gian và đạt được hiệu quả cho tác phẩm.   Cuối cùng, hãy luôn sáng tạo!   "Quy tắc thứ sinh ra để được phá vỡ" - Tổng thống Mỹ Donald Trump.   Nắm được các quy luật là cần thiết nhưng áp dụng một cách máy móc sẽ khiến nó trở thành rào cản, và bạn cần tránh điều này./

Xem thêm
12/03/2022 0 Bình luận

Tự làm video quảng cáo với chi phí 0 đồng

Nếu bạn đang kinh doanh mà chưa biết tới video quảng cáo (hay còn gọi video marketing) thì quả là thiếu sót lớn. Bạn đang bỏ lỡ một phương pháp tiếp thị vô cùng hiệu quả. Nhiều người nghĩ rằng video quảng cáo chỉ dành cho những công ty lớn có nguồn kinh phí dồi dào. Thực tế có phải như vậy. Liệu bạn có thể tự làm video quảng cáo với chi phí 0 đồng? Video quảng cáo – marketing sẽ đem lại lợi ích gì cho bạn? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời. Video quảng cáo là gì? Video quảng cáo – marketing hiểu đơn giản là bạn sử dụng video để tiếp thị với mục đích bán sản phẩm, dịch vụ. Nó có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp. Tại sao phải sử dụng video quảng cáo – marketing? Các cụ ta có câu “trăm nghe không bằng một thấy”. Giữa chữ viết, hình ảnh và video thì bạn bị cuốn hút bởi thứ nào hơn? Rõ ràng mọi người thường thích xem hơn thích đọc. Hàng ngày chúng ta bị “tra tấn” bời hàng ngàn thông tin trên mạng. Thường thì những bài quảng cáo kiểu truyền thống sẽ rất ít được chú ý. Thậm chí còn khiến người xem khó chịu vì họ cảm thấy bị làm phiền. Tuy nhiên với video marketing, mọi chuyện có thể khác. Lợi thế của video marketing: Gây ấn tượng mạnh vào cảm xúc người xem. Mang tính chất giải trí Tăng thời gian ở lại xem nội dung. Tăng tương tác và chia sẻ Tăng tỷ lệ chuyển đổi. Shop kinh doanh nhỏ có thể tự làm video quảng cáo không? Có rất nhiều loại video quảng cáo. Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng ít nhất một lần xem các video quảng cáo trên truyền hình. Hay còn gọi là video quảng cáo TVC.  Đây là loại hình quảng cáo ngắn gọn nhưng rất chất lượng. Tuy nhiên, sản xuất những video như thế này khá tốn kém. Do vậy sẽ khó khả thi nếu bạn là người kinh doanh nhỏ lẻ. Hơn nữa, sẽ rất khó để thành công chỉ với 1 video quảng cáo. Bạn phải làm thật nhiều video và làm thường xuyên – liên tục. Thuê đơn vị khác không chỉ tốn kém mà có thể không chuẩn theo ý bạn. Do đó, cách tốt nhất bạn nên tự làm video quảng cáo cho chính sản phẩm, dịch vụ của mình. Có rất nhiều loại hình video marketing bạn có thể tự sản xuất với chi phí thấp mà mình sẽ gợi ý dưới đây. 6 thể loại video quảng cáo đơn giản, dễ làm cho người kinh doanh nhỏ 1. Video review sản phẩm Hiện nay trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào, người tiêu dùng thường có thói quen lên mạng tìm kiếm thông tin về sản phẩm đó. Video review là cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu này. Video review là cách tự nhiên nhất để bạn tiếp thị sản phẩm của mình. Người xem vừa nắm được thông tin để hiểu hơn về sản phẩm vừa biết tới cửa hàng của bạn. Và tỷ lệ họ mua sản phẩm của chính bạn là rất cao. Video dạng này có tính chân thực cao và dễ thực hiện. Bạn có thể tự quay phim bằng điện thoại, máy ảnh… sau đó dựng lại bằng phần mềm Adobe Premiere trên máy tính hoặc các phần mềm chỉnh sửa video trên điện thoại. Yêu cầu: Người dẫn có khả năng diễn đạt tốt, giọng đọc dễ nghe (luyện tập dần sẽ quen). Bí quá bạn có thể bắn chữ và chèn nhạc thay thế giọng đọc. Ngay cả khi có giọng đọc bạn vẫn nên bắn chữ để không cần nghe, người xem vẫn hiểu nội dung. Video review rất phù hợp với các sản phẩm vật lý, thiết bị công nghệ. Ví dụ, có người từng quay video review độ bền của sản phẩm bằng cách dùng lửa đốt, ném vào bể nước, thử va đập… Những video độc và lạ như vậy thường có lượng tương tác rất cao. 2. Video hướng dẫn dạng “How to” Tuy không quảng cáo bán hàng trực tiếp nhưng video dạng How to lại đóng vai trò quan trọng giúp bạn tiếp cận, thu hút khách hàng. Mục tiêu của video dạng này là giải đáp những vấn đề khách hàng quan tâm. Ví dụ như: Cách làm nem chua Thanh Hóa ngon; Mẹo chữa viêm họng không cần uống thuốc tây; Thủ thuật wordpress; 5 phương pháp tự làm video quảng cáo; Hướng dẫn crack phầm mềm ABC… Từ những video như thế này, bạn sẽ trở thành chuyên gia trong mắt người xem ở lĩnh vực bạn đang kinh doanh. Lâu dần họ yêu thích, tin tưởng bạn và có thể trở thành khách hàng của bạn. Video dạng How to phù hợp với cả sản phẩm vật lý, sản phẩm số cho tới các loại dịch vụ. Yêu cầu làm thể loại video này cũng không quá cao. Bạn có thể sử dụng điện thoại, máy ảnh. Thậm chí chỉ cần dùng phần mềm quay màn hình máy tính, điện thoại…   Cái khó nhất khi làm video How to là bạn cần có kiến thức nhất định về lĩnh vực, nội dung video phản ánh. Mẹo: Nếu thiếu kiến thức bạn hãy tham khảo thêm sách báo, tài liệu, đặc biệt là các website nước ngoài để có thông tin giá trị cho video. 3. Video đồ họa – hoạt hình Nếu bạn đang kinh doanh dịch vụ, các sản phẩm số (khóa học, phần mềm), sản phẩm khó diễn đạt bằng hình ảnh trực tiếp… Video đồ họa – hoạt hình sẽ là giải pháp lý tưởng. Điển hình trong thể loại này là video Animation, Motion Graphic, video hiệu ứng viết tay… Tất cả đều có điểm chung là sử dụng đồ họa, hình ảnh kết hợp với lời thoại để diễn đạt nội dung trên nền âm nhạc, hiệu ứng âm thanh vui nhộn. Thể loại video này có ưu điểm hình ảnh đẹp, bắt mắt và chuyên nghiệp. Không cần diễn viên và bỏ qua được khâu quay phim. Tuy nhiên, bạn cần biết dựng đồ họa và ý tưởng thật tốt. Đối với yêu cầu về dựng đồ họa, bạn có thể sử dụng các phần mềm với rất nhiều mẫu thiết kế sẵn. Việc của bạn chỉ cần tìm hình ảnh phù hợp để design cho video của mình. Bạn có thể tham khảo các phần mềm như: VideoScribe, Sparkol, Video Explaindio, Video Maker FX. Hay thiết kế online trên website https://www.powtoon.com 4. Video cắt ghép, lồng tiếng Loại video này khá thú vị, hài hước vì lời thoại, hình ảnh được cắt ghép với các bộ phim nổi tiếng, các đoạn video hot trên mạng… Ưu điểm: Phù hợp với nhiều loại sản phẩm, dịch vụ, dễ thu hút người xem. Giúp tiết kiệm chi phí do bỏ qua được khâu quay phim. Tuy nhiên, bạn cũng cần có ý tưởng tốt và mất nhiều thời gian hậu kỳ cắt ghép hình ảnh cho phù hợp. 5. Video dạng tin tức tổng hợp Bạn có thể kéo khách hàng trở lại thường xuyên với các video dạng tin tức về lĩnh vực mà bạn đang kinh doanh. Ví dụ bạn kinh doanh điện thoại, hãy cập nhật tin tức về các mẫu smartphone sắp ra mắt, những công nghệ mới trong lĩnh vực này… Các thông tin mới – lạ sẽ dễ thu hút được đông đảo người xem và họ sẽ nhớ tới bạn. Sản xuất loại video này cũng không quá khó. Bạn chỉ cần tổng hợp thông tin trên mạng sau đó viết lại theo phong cách của mình. Nếu thiếu tư liệu, bạn có thể sử dụng cả ảnh tĩnh để chèn vào video cũng không vấn đề gì. 6. Video dạng Vlog Vlog là một dạng nhật ký cá nhân được thể hiện bằng video. Với Vlog bạn có thể thỏa mái chia sẻ mọi thứ trên quan riêng của bản thân. Đặc điểm nổi bật nhất của Vlog là sẽ có ít nhất một nhân vật (thường sẽ là chính bạn luôn). Nhân vật này sẽ xuyên suốt trong toàn bộ các video. Một Vlog trên của Hoa Ban Food có tới gần 19 triệu lượt xem trên Youtube Chủ đề của Vlog rất đa dạng. Đó có thể là những video chia sẻ kiến thức, trải nghiệm cá nhân hoặc ghi lại quy trình chế biến, sản xuất kinh doanh của chính bạn… Đôi khi chỉ là những câu chuyện phiếm hoặc một trò vui nào đó giúp mọi người giải trí. Chỉ với một chiếc điện thoại có khả năng quay phim, ai cũng có thể làm Vlog. Vlog tạo sự kết nối và gần gũi giữa cá nhân với cộng đồng; giữa người kinh doanh với khách hàng. Thực tế có rất nhiều người thành công nhờ sử dụng Vlog xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp. Cách quảng bá video hiệu quả Chiến lược đa kênh Nếu như trước kia chỉ có các Đài truyền hình mới có khả năng truyền phát video thì nay internet đã cho phép bạn dễ dàng làm điều này. Bạn có thể đăng tải video lên website, sử dụng email marketing và đặc biệt là mạng xã hội.   Có thể nói, mạng xã hội hiện là kênh miễn phí tốt nhất để bạn quảng bá video của mình tới đông đảo khán giả và khách hàng mục tiêu. Trong đó, Youtube và Facebook là hai mạng xã hội được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Đơn cử như Youtube – là nền tảng video lớn nhất thế giới với hàng triệu người tham gia. Bắng chứng là đã có rất nhiều người thành công nhờ Vlog trên Youtube. Trong số họ có không ít người khi bắt đầu chỉ như một “tờ giấy trắng”. Ví dụ Hoa ban food là một kênh Youtube lớn về văn hóa – ẩm thực Tây Bắc nhưng nguồn thu chính lại đến từ bán hàng nông sản, đặc sản. Kênh Yêu công nghệ, chuyên review sản phẩm công nghệ. Và dĩ nhiên họ cũng có cửa hàng rất mạnh kinh doanh các sản phẩm này. Hay như trên Facebook, chắc hẳn bạn cũng đã không ít lần bắt gặp những video quảng cáo rất cuốn hút khiến bạn khó có thể rời mắt. Chiến lược viral video Là chiến lược tạo ra những video có khả năng lan truyền mạnh trên mạng xã hội. Để video của bạn có thể tiếp cận được nhiều người xem mà không mất một đồng quảng cáo. Tạo ra những viral video như vậy thật không dễ dàng. Tuy nhiên, bạn có thể nghiên cứu dựa trên các đặc điểm sau: Video có nội dung hài hước (hàng đầu) Trong video review sản phẩm bạn có thể pha trò hay đan xen một số tình tiết hài hước để video cuốn hút hơn. Video theo “trend” – xu hướng. Ví dụ thời điểm bộ phim Người phán xử đang hot xuất hiện rất nhiều quảng cáo lồng ghép ăn theo. Hoặc những video lồng ghép nội dung với các vấn đề thời sự đang được quan tâm… cũng được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Video thơ ca – âm nhạc Nếu có năng khiếu bạn có thể sáng tác thơ, nhạc chế cho video của mình. Cách diễn đạt này thường dễ nhớ, dễ thuộc và dễ lưu vào tâm trí người xem. Nhưng đòi hỏi bạn phải có chút năng khiếu, vì vậy nó không thực sự phổ biến. Ngoài ra, còn rất nhiều phương pháp không thể kể hết trong khuôn khổ bài viết này. Viral video là đỉnh cao của video marketing nhưng không “dễ ăn”, chắc chắn chúng ta sẽ còn tốn nhiều giấy mực bàn luận về nó. Tóm lại, đọc xong bài viết này bạn có thể xác định nên chọn loại hình video nào phù hợp để tự làm video quảng cáo – marketing. Chi tiết cách làm từng loại bạn có thể seach trên google hoặc quay lại với blog của mình ở những phần tiếp theo. Chúc bạn thành công !

Xem thêm
12/03/2022 0 Bình luận

Xử lý video bị rung hình cực dễ trong vài phút

Video bị rung hình là hiện tượng thường gặp trong quay phim.   Thông thường, công đoạn chống rung cho video phải được thực hiện ngay trong quá trình ghi hình – quay phim. Ví dụ sử dụng gimbal, steadicam, tripod và nhiều thủ thuật khác… Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng có điều kiện để áp dụng các phương pháp trên.   Trong trường hợp này, cách cuối cùng bạn có thể áp dụng để cải thiện hình ảnh của mình là khử rung cho video bằng phần mềm.   Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách khử rung cho video dễ dàng nhất, ngay cả khi bạn không muốn tải và cài đặt phần mềm phức tạp. Và tất nhiên, tất cả các phương pháp này đều free 100%.   Xem video hướng dẫn: Lưu ý: Các phương pháp chống rung hình ảnh này chỉ hiệu quả với những video bị rung hình ở mức độ vừa phải. Bạn nên thực hiện thao tác này với từng đoạn video thô, không nên áp dụng với các video quá dài, video đã thành phẩm (có lời bình – âm nhạc) vì có thể dẫn tới hiện tượng âm thanh bị vấp, giật.   Cách 1 (nhanh nhất): Xử lý video bị rung hình online   Đây là phương pháp chống rung video online rất nhanh và dễ dàng, ai cũng có thể làm được.   Bước 1: Bạn truy cập vào website hỗ trợ Stabilizer online. Ví dụ như online-video-cutter.com   Hoặc bạn cũng có thể seach trên google từ khóa "Stabilizer online" để tìm được nhiều webstie hỗ trợ hơn.   Bước 2: Công việc của bạn lúc này chỉ là kéo thả đoạn video vào lên webstie và stabilizer cho nó. Sau đó website sẽ tự động xử lý. Quá trình ổn định hình ảnh có thể mất vài phút hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào độ dài video của bạn.   Đợi khi hoàn tất (như hình), bạn chỉ việc tải file video đã được khử rung về và sử dụng bình thường.   Bên cạnh tính năng chống rung, ổn định cho hình ảnh, một số website này còn hỗ trợ bạn một số các kỹ thuật khác như: Xoay hình video bị ngược, crop video, slice video…   Cách 2: Chống rung video ngay trên Youtube Trong phần chỉnh sửa video của Youtube có khá nhiều tính năng hay, trong đó có cả tính năng chống rung cho hình ảnh. Tuy nhiên cách làm này thường chỉ sử dụng khi bạn đăng tải video lên Youtube.   Bước 1: Bạn upload đoạn video bị rung hình lên Youtube. Bước 2: Chọn chỉnh sửa video: Bước 3: Chọn các tính năng nâng cao: Bước 4: Bấm Stabilize và chờ Youtube tự động xử lý các đoạn video bị rung. Cuối cùng bấm Save để hoàn tất. Nếu không muốn chờ đợi, bạn có thể bấm Save rồi thoát trang, quá trình xử lý vẫn diễn ra tự động. Một lúc sau bạn vào lại Youtube mở video lên để kiểm tra kết quả.   Cách 3: Sử dụng tính năng Warp Stabilize trong phần mềm Adobe Premiere CC Với phương pháp này bạn phải cài phần mềm dựng phim Adobe Premiere CC (phiên bản từ 2015 trở lên mới có tính năng Stabilize). Cách làm này sẽ hơi khó cho những người chưa từng sử dụng phần mềm dựng phim này.   Bước 1: Khởi chạy phần mềm Adobe Premiere CC. Chọn File -> ipmort hoặc bấm tổ hợp phím Ctrl+I để load file video bị rung vào phần mềm.   Bước 2: Thả video xuống timeline. Chú ý trong mục Effect, gõ vào ô tìm kiếm “Stabilize”, chọn Warp Stabilize.   Bước 3: Thả hiệu ứng Stabilize vào đoạn video dưới timeline:     Sau khi thả hiệu ứng, phần mềm sẽ tự động ổn định hình ảnh. Bạn có thể bấm vào mục Efect (mũi tên bên tay trái) để theo dõi tiến độ. Khi nào thanh trạng thái màn hình chuyển từ màu xanh sang màu vàng là đã hoàn tất.   Nếu muốn xuất video thành phẩm, bạn chọn file ->Export -> Media. Chọn loại định dạng cho video muốn xuất và lưu lại.   Kết quả chống rung hình ảnh từ Adobe Premiere CC:     Trên đây là tổng hợp 3 cách xử lý video bị rung, tùy theo điều kiện của bản thân mà bạn chọn phương pháp phù hợp và hiệu quả nhất. Chúc bạn thành công !

Xem thêm
11/03/2022 0 Bình luận

Bí quyết dựng phim theo phong cách phóng sự truyền hình

Với những người mới làm video thì dựng phim thường là công đoạn “khoai” nhất. Khi ngồi vào bàn dựng, bạn không biết bắt đầu từ đâu? Nên lấy hình ảnh nào trước, hình ảnh nào sau? Cảnh quay nào nên giữ và cảnh nào nên bỏ?… Những khó khăn kể trên khiến bạn mất nhiều thời gian và cảm thấy mệt mỏi, không còn hứng thú với công việc.   Sau đây là một số mẹo dựng phim của những người làm truyền hình, tuy đơn giản nhưng lại rất cụ thể để bạn có thể áp dụng ngay. Năm chắc 8 kinh nghiệm này, công việc dựng phim của bạn sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.   1. Dựng khi bạn quay phim Dựng khi quay phim hay còn gọi vừa quay vừa dựng là cách tốt nhất để “giảm tải” cho khâu hậu kỳ.   Thay vì quay lung tung chờ về cắt ghép lại, hãy quay theo đúng kịch bản. Cảnh nào trước quay trước, cảnh nào sau quay sau.   Các cảnh quay cần quay đúng trình tự: Toàn – Trung – Cận hoặc ngược lại.   Nếu bạn chưa hiểu rõ cách lấy khuôn hình, bố cục trong quay phim, tìm hiểu thêm tại đây.   Từ trái qua phải: Toàn cảnh – đặc tả – cận cảnh – trung cảnh (ảnh cắt từ video du lịch trải nghiệm trên VTV)   Tóm lại các cảnh quay cần có sự linh động. Bạn cần hạn chế 2 cảnh toàn đặt liền nhau, 2 trung cảnh liền nhau, 2 cận cảnh liền nhau. Lý do khi đặt 2 hình ảnh có cùng cỡ cảnh liền nhau dễ dẫn tới hiện tượng giật hình.   Chú ý thời gian mỗi cảnh quay có thể xê dịch. Trong kịch bản là 3 giây thì bạn có thể quay từ 3-8 giây. Nên quay dài hơn để dễ cắt, chọn hình khi dựng.   Do đã quay theo đúng kịch bản nên khi dựng bạn gần như không phải cắt ghép, sắp xếp lại thứ tự các cảnh quay. Thường bạn sẽ chỉ cần cắt ngắn hoặc loại bỏ một số cảnh quay (nếu quá dài) và thêm hiệu ứng (nếu có) là xong.   2. Tư duy theo cụm cảnh Một video có thể được chia làm nhiều phần. Mỗi phần gồm vài cụm cảnh. Một cụm cảnh là tập hợp của từ 3 – 10 cảnh quay. Giữa các cụm cảnh sẽ có một cảnh chuyển.   Khi dựng phim, bạn hãy đặt câu hỏi: Những cảnh quay cần có để tạo nên một cụm cảnh là gì?   Ví dụ như 4 cảnh quay dưới đây được sắp xếp thành một cụm hợp lý nên người xem dễ dàng hiểu được thông tin.     3. Làm việc có tổ chức Công việc dựng phim, video sẽ cần rất nhiều tư liệu. Thậm chí có những đoạn video quay từ vài năm tới một lúc nào đó bạn lại cần dùng đến. Do vậy, hãy sắp xếp chúng một cách khoa học thành các thư mục trên máy tính.   Nếu kho tư liệu quá lớn, bạn có thể ghi chép vào sổ kèm theo chú thích như ngày, tháng, năm, nội dung… để khi tìm lại dễ dàng hơn.   Hãy hiểu rõ hình ảnh của bạn. Chỉ khi bạn biết mình có gì, bạn mới có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả.   Cuối cùng, nhớ backup dữ liệu định kỳ, nhất là với những tư liệu quan trọng.   4. Chú ý tới lời bình   Lời bình là nội dung người đọc bổ trợ thông tin cho hình ảnh. Đó cũng có thể là lời thoại, lời thuyết minh.   Một giọng đọc tốt, tròn vành, rõ tiếng sẽ “lọt tai” người nghe. Trái lại có thể phản tác dụng nếu giọng đọc quá tệ.   Giọng đọc có thể được cải thiện nếu luyện tập thường xuyên. Tuy nhiên, nếu giọng đọc không tốt, trước mắt bạn có thể chọn giải pháp bắn chữ hoặc chỉ sử dụng âm nhạc và tiếng động.   5. Sử dụng âm nhạc, tiếng động hợp lý Việc sử dụng âm nhạc, tiếng động hợp lý sẽ đưa người xem tới những cung bậc cảm xúc khác nhau.   Âm nhạc tạo ra trạng thái tâm lý và tiết tấu. Ví dụ, một đoạn video vui nhộn thường sử dụng cảnh quay ngắn (mỗi cảnh chỉ từ 2-3 giây, thậm chí 1 giây). Bản nhạc bạn chọn kèm theo cũng cần có nhịp độ nhanh, sôi nổi.   Tương tự, đoạn video miêu tả cảm xúc thường sử dụng các cảnh quay dài, quay chậm. Âm nhạc réo rắt như gieo vào lòng người.     Khác với âm nhạc, tiếng động lại khiến video của bạn trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Ví dụ tiếng mưa kêu lách tách, tiếng côn trùng kêu râm ran, tiếng gió thổi xào xạc… Tuy nhiên với những tiếng động “rác”, không có vai trò gì bạn cần thẳng tay loại bỏ để tránh mệt mỏi cho người xem. Ví dụ video coi như bị lỗi khi một người đang nói mà xung quanh ồn ào nhiều tạp âm hay tiếng chó sủa, trẻ em khóc…   Tóm lại, một người dựng phim giỏi cần biết hòa âm nhuần nhuyễn giữa tiếng nhạc, lời nói, tiếng động, hiệu ứng âm thanh.   6. Khoảng lặng phù hợp Đừng nhồi nhét ngôn từ vào mọi khoẳng khắc của video như một người nói thao thao bất tuyệt. Đôi khi cần có những khoảng lặng, để hình ảnh và âm thanh tự kể chuyện.   Hãy đặt mình vào vị trí người xem để cảm nhận cảm xúc của họ.     7. Giết hết những gì mình thương yêu Đôi khi bạn quay được một cảnh quay đẹp. Bạn tâm đắc tìm mọi cách đề nhét nó vào chỗ nào đó trong video, cho dù nó “vô duyên”.   Lời khuyên ở đây là hãy mạnh tay cắt bỏ những hình ảnh không đem lại ý nghĩa gì để làm câu chuyện hay ho hơn.   8. Mời mọi người xem video của bạn   Dựng phim xong bạn đừng vội xuất bản rộng rãi. Hãy mời bạn bè, người thân xem trước và xin ý kiến đánh giá từ họ. Bằng cách này bạn có thể phát hiện những điểm còn thiếu sót để chỉnh sửa – hoàn thiện tác phẩm hơn.   Trên đây là những nguyên tắc dựng phim đơn giản nhưng cực kỳ hữu ích. Tuy là những kinh nghiệm dựng phim phóng sự nhưng bạn hoàn toàn có thể áp dụng cho nhiều thể loại khác nhau. Kể cả làm video thông thường.   Chúc bạn thành công!

Xem thêm
11/03/2022 0 Bình luận

Mẹo quay phim thiếu sáng hiệu quả với điện thoại

Có thể nói trong điều kiện ánh sáng tốt thì việc ghi hình bằng smartphone không khác biệt là mấy so với máy quay chuyên dụng. Tuy nhiên khi cùng làm việc trong điều kiện ánh sáng yếu thì smartphone tỏ ra hoàn toàn “thất thế”. Nói cách khác, ánh sáng yếu là kẻ thủ số một của hầu hết camera phone. Do đó, giải pháp quay phim thiếu sáng luôn là vấn đề lớn với những người quay phim – chụp ảnh bằng điện thoại.   Đó cũng chính là lý do bài viết này ra đời. Hi vọng bạn sẽ đọc kỹ từng phần để tìm ra giải pháp cho riêng mình.   Tuy nhiên, để hiểu rõ nội dung trong bài viết, bạn không thể bỏ qua một phần hết sức quan trọng: Tìm hiểu cơ chế “phơi sáng” trên các thiết bị camera.   Phơi sáng là gì? Yếu tố nào tác động tới độ sáng hình ảnh? Phơi sáng hiểu nôm na là lượng ánh sáng được phép lọt vào cảm biến của máy quay, máy ảnh. Trong đó, có 3 yếu tố chính ảnh hưởng tới phơi sáng và quyết định độ sáng hình ảnh gồm: Khẩu độ, ISO và tốc độ màn trập (Shutter).   Khẩu độ   Khẩu độ – hay còn gọi là độ mở ống kính. Như bạn đã biết, bất kỳ chiếc camera nào cũng cần có ống kính. Anh sáng sẽ đi qua ống kính trước khi vào cảm biến (bộ phận sẽ ghi và xử lý hình ảnh).   Do đó ống kính có độ mở càng lớn thì lượng ánh sáng vào càng nhiều. Nếu bạn để ý sẽ thấy các camera hiện nay đều có ghi thông tin về khẩu độ như: F1.6; F1.8; F2.0… Ví dụ như iPhone X có khẩu độ F1.8. Thông số này càng nhỏ thể hiện ống kính có độ mở lớn và thu được nhiều ánh sáng hơn.   Tốc độ màn trập (Shutter) Tốc độ màn trập cao (hàng trên) ảnh tối hơn so với tốc độ màn trập thấp (hàng dưới)   Phía trước cảm biến có một màn trập ngăn ánh sáng đi từ ống kính vào cảm biến. Khi chúng ta bấm ghi hình thì màn trập sẽ mở để cảm biến được phơi sáng. Màn trập mở càng lâu thì ánh sáng vào cảm biến càng nhiều. Ví dụ với tốc độ màn trập 1/50 giây, cảm biến sẽ thu được lượng ánh sáng nhiều gấp đôi so với tốc độ 1/60 giây. Tốc độ màn trập quá thấp hình ảnh dễ nguy cơ bị mờ – nhòe. Cái này mình sẽ giải thích kỹ ở phần sau.   ISO Từ trái qua phải, ISO càng cao chất lượng hình ảnh càng giảm sút do nhiễu hạt   ISO là độ nhạy sáng của cảm biến (sensor). ISO càng cao thì độ nhạy sáng được đẩy lên cao, hình ảnh sẽ sáng hơn. Tuy nhiên, ISO quá cao sẽ dẫn tới hiện tượng ảnh bị nhiễu hạt – chất lượng hình ảnh giảm sút.   Nguyên lý hoạt động của cảm biến Cảm biến là thành phần quan trọng bậc nhất trong camera. Nó là nơi tiếp nhận ánh sáng và tái tạo hình ảnh.   Khi camera làm việc ở chế độ auto, cảm biến cũng sẽ là “đầu não” điều chỉnh các yếu tố khẩu độ, shutter và ISO.   Ánh sáng mạnh, cảm biến sẽ điều chỉnh giảm ISO, khẩu độ và tăng tốc độ shutter. Ánh sáng yếu, cảm biến sẽ điều chỉnh mở khẩu độ, tăng ISO và giảm shutter.   Về cơ bản, cảm biến đã được lập trình để điều chỉnh các yếu tố kể trên nhằm tạo ra hình ảnh có chất lượng tốt nhất.   Tuy nhiên, ở trường hợp thứ hai, khi ánh sáng quá yếu, cả khẩu độ, ISO và Shutter đều bị đẩy tới giới hạn thì chất lượng hình ảnh của bạn sẽ cực tệ. Và sau đây là những giải pháp đề khắc phục vấn đề này.   Mẹo quay phim thiếu sáng với điện thoại   1. Bổ sung nguồn sáng   Đây là giải pháp tốt nhất để bạn cải thiện chất lượng hình ảnh.   Nếu có điều kiện hãy mua một chiếc đèn chuyên dụng dành cho quay phim. Bạn có thể gắn đèn lên tripod hoặc gắn trực tiếp lên gimbal cùng với smartphone (tham khảo một số phụ kiện quay phim cho điện thoại).   Có rất nhiều lợi ích khi sử dụng đèn chiếu sáng, ngay cả khi bạn quay phim – chụp ảnh ngoài trời.   Ngoài ra, hãy biến tất cả ánh sáng môi trường xung quanh thành lợi thế. Ví dụ ánh sáng phản chiếu từ những vật phản quang; dưới ngọn đèn đường hay ánh sáng hắt ra từ một cửa hiệu…   Nếu ghi hình trong nhà, bạn có thể thắp thêm bóng đèn; tận dụng các loại đèn pin; mở hết cửa sổ; dịch chuyển chủ thể ra nơi có ánh sáng tốt.   Có một mẹo nhỏ được khá nhiều người sử dụng là bật đèn flash của điện thoại. Tuy nhiên bạn cần cẩn trọng với phương pháp này. Đèn flash được gắn cố định lại không điều chỉnh được cường độ sáng có thể khiến hình ảnh bị cháy sáng. Hơn nữa nguồn sáng này quá nhỏ, khuếch tán kém sẽ làm hình ảnh trở nên bệt màu và biến dạng.   Ánh sáng đèn flash tụ trên khuôn mặt bức tượng gây cháy sáng (ảnh TheNextWeb)   Theo mình chỉ nên sử dụng đèn flash khi quay với một chủ thể nhỏ và nên căn cự ly hợp lý.   2. Giảm khung hình/giây   Đây là một mẹo rất hay mà ít người để ý tới.   Cách đây không lâu mình có mua một chiếc Osmo. Camera của Osmo có độ nhạy sáng cực kém, thậm chí còn kém hơn cả một số smartphone.   Trong lúc cả màn hình toàn một màu đen, mình mày mò chỉnh khung hình từ 30fps (30 frame/giây) xuống 24fps (24 frame/giây) thì phép màu đã xảy ra. Hình ảnh sáng hơn rõ rệt.   Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Lưu ý: Khung hình/giây hay còn gọi là FPS khác với tốc độ màn trập (shutter speed). FPS – là số khung hình xuất hiện trong một giây của video. (Bản chất video cấu tạo từ nhiều hình ảnh nối tiếp với nhau). Shutter speed: Tốc độ chụp hình ảnh tính trên 1 giây. Ví dụ shutter 1/30s thì 1 giây camera sẽ chụp được 30 khung hình..   Giữa khung hình và tốc độ màn trập có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi số lượng khung hình/giây tăng thì shutter speed cũng tăng theo và ngược lại.   Trong trường hợp này, mình giảm số lượng khung hình xuống còn 24fps, đồng nghĩa shutter speed cũng giảm theo. Tốc độ màn trập giảm thì lượng ánh sáng vào cảm biến sẽ nhiều hơn. Hình ảnh sáng hơn là hiển nhiên.   Vậy làm thế nào để áp dụng phương pháp này với smartphone. Bạn hãy vào phần seting của camera để kiểm tra. Ví dụ như ở chiếc iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone X sẽ như thế này:   Vào Seting – Camera – Record Video – chọn độ phân giải Video và kiểu khung hình bạn muốn.     Tuy nhiên thường chỉ những chiếc smartphone cao cấp mới cho phép bạn tùy chỉnh tính năng này. Nếu bạn đang sở hữu một chiếc điện thoại bình thường, cũng đừng quá lo lắng, bởi chúng ta vẫn còn một số giải pháp khác.   3. Chuyển camera từ chế độ Auto sang Manual Trong trường hợp 2 phương án kể trên chưa hiệu quả, bạn cũng có thể chuyển camera từ chế độ Auto (tự động) sang Manual (chỉnh tay).   Ở một số dòng điện thoại android, bạn có thể dễ dàng chuyển sang Manual. Nhưng đa phần ứng dụng máy ảnh của smartphone (gồm cả iPhone) không có tính năng này.   Có một giải pháp là bạn sử dụng ứng dụng camera từ các nhà phát triển khác. Có rất nhiều app chuyên nghiệp dành cho quay phim cho phép bạn tùy chỉnh sâu hơn.   Hãy ưu tiên chỉnh các thông số theo thứ tự sau: Mở tối đa khẩu độ Giảm shutter speed Tăng iso   Ví dụ như ở ứng dụng Musemage này, khi bạn chuyển sang Manual sẽ có thấy có hai thước kẻ vòng cung để bạn chỉnh ISO và Shutter.   Tùy từng hoàn cảnh mà bạn quyết định giảm shutter hay tăng ISO để tăng sáng cho hình ảnh.   Chẳng hạn bạn quay cảnh tĩnh hoặc cố tình tạo hiệu ứng “motion blur” (cảm giác vật bị nhòe đi khi chuyển động nhanh) thì có thể giảm tốc độ màn trập. Trường hợp này bạn nên sử dụng tripod để giảm thiểu rung lắc.   Kỹ thuật phơi sáng giảm tốc độ màn trập khiến chuyển động của các phương tiện bị nhòe đi tạo ra các vệt sáng   Nếu vẫn muốn giữ các chuyển động được rõ nét, bắt buộc bạn phải tăng ISO. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng bởi ISO chẳng khác nào con dao hai lưỡi. Hãy đọc tiếp để hiểu rõ hơn.   4. Luôn kiểm soát ISO   Theo kinh nghiệm của mình, 90% hình ảnh bị xấu là do không kiểm soát được ISO.   ISO quá cao sẽ khiến hình ảnh của bạn vị vỡ và xuất hiện các hạt nhiễu.   Trong môi trường thiếu sáng, mặc định smartphone sẽ tự động mở tối đa khẩu độ tối đa và đẩy ISO lên cao. Nhìn trên màn hình điện thoại thì hình ảnh trông có vẻ như đủ sáng và bắt mắt nhưng khi xem lại trên máy tính bạn mới thất vọng vì chất lượng thực sự của nó.   Bài học rút ra: Bạn nên thử nghiệm nhiều dải ISO khác nhau để biết được “giới hạn” ở chiếc smartphone của bạn. Cá nhân mình thà chấp nhận để ISO thấp, hình ảnh tối hơn một chút còn hơn bị nhiễu hạt.   5. Chú ý cân bằng trắng   Quay phim vào ban đêm với đèn led hoặc dưới ánh đèn sân khấu smartphone rất dễ bị “hiểu lầm” về màu sắc. Thậm chí các máy ảnh, máy quay chuyên nghiệp cũng không tránh khỏi.   Điều này có thể dẫn tới hậu quả mặt mũi nhân vật bị xanh, đỏ, các màu sắc khác cũng hiển thị không đúng với thực tế.   Do vậy, Bạn nên tìm hiểu thêm kiến thức cơ bản về cân bằng trắng.   6. Sử dụng filter lọc màu Thông thường, chúng ta sử dụng filter lọc màu để tạo phong cách cho video. Tuy nhiên các hiệu ứng màu sắc còn giúp video giảm nhiễu trong điều kiện thiếu sáng. Đặc biệt khi bạn quay phim với hiệu ứng đơn sắc (đen – trắng), hình ảnh vẫn rất ổn.   Ngoài các phương pháp kể trên, bạn cũng có thể xử lý hậu kỳ bằng phần mềm để cải thiện chất lượng hình ảnh. Ví dụ sử dụng tính năng khử noise, cân bằng lại màu sắc… Tuy nhiên hãy chỉ coi đây như phương án cuối cùng và đừng hi vọng nó có thể giúp bạn “lật ngược tình thế”.   Tóm lại, trong các giải pháp quay phim thiếu sáng kể trên, bổ sung nguồn sáng vẫn là giải pháp ưu tiên hàng đầu. Sau đó, bạn mới tính tới các phương án còn lại.   Hi vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn có thêm một số kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh cũng như quay phim tốt hơn trong điều kiện thiếu sáng. Ngoài smartphone, bạn cũng có thể áp dụng với bất kỳ thiết bị máy quay, máy ảnh chuyên nghiệp nào./

Xem thêm