-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Mẹo quay phim thiếu sáng hiệu quả với điện thoại
11/03/2022
0 Bình luận
Có thể nói trong điều kiện ánh sáng tốt thì việc ghi hình bằng smartphone không khác biệt là mấy so với máy quay chuyên dụng. Tuy nhiên khi cùng làm việc trong điều kiện ánh sáng yếu thì smartphone tỏ ra hoàn toàn “thất thế”. Nói cách khác, ánh sáng yếu là kẻ thủ số một của hầu hết camera phone. Do đó, giải pháp quay phim thiếu sáng luôn là vấn đề lớn với những người quay phim – chụp ảnh bằng điện thoại.
Đó cũng chính là lý do bài viết này ra đời. Hi vọng bạn sẽ đọc kỹ từng phần để tìm ra giải pháp cho riêng mình.
Tuy nhiên, để hiểu rõ nội dung trong bài viết, bạn không thể bỏ qua một phần hết sức quan trọng: Tìm hiểu cơ chế “phơi sáng” trên các thiết bị camera.
Phơi sáng là gì? Yếu tố nào tác động tới độ sáng hình ảnh?
Phơi sáng hiểu nôm na là lượng ánh sáng được phép lọt vào cảm biến của máy quay, máy ảnh. Trong đó, có 3 yếu tố chính ảnh hưởng tới phơi sáng và quyết định độ sáng hình ảnh gồm: Khẩu độ, ISO và tốc độ màn trập (Shutter).
Khẩu độ
Khẩu độ – hay còn gọi là độ mở ống kính. Như bạn đã biết, bất kỳ chiếc camera nào cũng cần có ống kính. Anh sáng sẽ đi qua ống kính trước khi vào cảm biến (bộ phận sẽ ghi và xử lý hình ảnh).
Do đó ống kính có độ mở càng lớn thì lượng ánh sáng vào càng nhiều. Nếu bạn để ý sẽ thấy các camera hiện nay đều có ghi thông tin về khẩu độ như: F1.6; F1.8; F2.0… Ví dụ như iPhone X có khẩu độ F1.8. Thông số này càng nhỏ thể hiện ống kính có độ mở lớn và thu được nhiều ánh sáng hơn.
Tốc độ màn trập (Shutter)
Tốc độ màn trập cao (hàng trên) ảnh tối hơn so với tốc độ màn trập thấp (hàng dưới)
Phía trước cảm biến có một màn trập ngăn ánh sáng đi từ ống kính vào cảm biến. Khi chúng ta bấm ghi hình thì màn trập sẽ mở để cảm biến được phơi sáng. Màn trập mở càng lâu thì ánh sáng vào cảm biến càng nhiều. Ví dụ với tốc độ màn trập 1/50 giây, cảm biến sẽ thu được lượng ánh sáng nhiều gấp đôi so với tốc độ 1/60 giây. Tốc độ màn trập quá thấp hình ảnh dễ nguy cơ bị mờ – nhòe. Cái này mình sẽ giải thích kỹ ở phần sau.
ISO
Từ trái qua phải, ISO càng cao chất lượng hình ảnh càng giảm sút do nhiễu hạt
ISO là độ nhạy sáng của cảm biến (sensor). ISO càng cao thì độ nhạy sáng được đẩy lên cao, hình ảnh sẽ sáng hơn. Tuy nhiên, ISO quá cao sẽ dẫn tới hiện tượng ảnh bị nhiễu hạt – chất lượng hình ảnh giảm sút.
Nguyên lý hoạt động của cảm biến
Cảm biến là thành phần quan trọng bậc nhất trong camera. Nó là nơi tiếp nhận ánh sáng và tái tạo hình ảnh.
Khi camera làm việc ở chế độ auto, cảm biến cũng sẽ là “đầu não” điều chỉnh các yếu tố khẩu độ, shutter và ISO.
- Ánh sáng mạnh, cảm biến sẽ điều chỉnh giảm ISO, khẩu độ và tăng tốc độ shutter.
- Ánh sáng yếu, cảm biến sẽ điều chỉnh mở khẩu độ, tăng ISO và giảm shutter.
Về cơ bản, cảm biến đã được lập trình để điều chỉnh các yếu tố kể trên nhằm tạo ra hình ảnh có chất lượng tốt nhất.
Tuy nhiên, ở trường hợp thứ hai, khi ánh sáng quá yếu, cả khẩu độ, ISO và Shutter đều bị đẩy tới giới hạn thì chất lượng hình ảnh của bạn sẽ cực tệ.
Và sau đây là những giải pháp đề khắc phục vấn đề này.
Mẹo quay phim thiếu sáng với điện thoại
1. Bổ sung nguồn sáng
Đây là giải pháp tốt nhất để bạn cải thiện chất lượng hình ảnh.
Nếu có điều kiện hãy mua một chiếc đèn chuyên dụng dành cho quay phim. Bạn có thể gắn đèn lên tripod hoặc gắn trực tiếp lên gimbal cùng với smartphone (tham khảo một số phụ kiện quay phim cho điện thoại).
Có rất nhiều lợi ích khi sử dụng đèn chiếu sáng, ngay cả khi bạn quay phim – chụp ảnh ngoài trời.
Ngoài ra, hãy biến tất cả ánh sáng môi trường xung quanh thành lợi thế. Ví dụ ánh sáng phản chiếu từ những vật phản quang; dưới ngọn đèn đường hay ánh sáng hắt ra từ một cửa hiệu…
Nếu ghi hình trong nhà, bạn có thể thắp thêm bóng đèn; tận dụng các loại đèn pin; mở hết cửa sổ; dịch chuyển chủ thể ra nơi có ánh sáng tốt.
Có một mẹo nhỏ được khá nhiều người sử dụng là bật đèn flash của điện thoại. Tuy nhiên bạn cần cẩn trọng với phương pháp này. Đèn flash được gắn cố định lại không điều chỉnh được cường độ sáng có thể khiến hình ảnh bị cháy sáng. Hơn nữa nguồn sáng này quá nhỏ, khuếch tán kém sẽ làm hình ảnh trở nên bệt màu và biến dạng.
Ánh sáng đèn flash tụ trên khuôn mặt bức tượng gây cháy sáng (ảnh TheNextWeb)
Theo mình chỉ nên sử dụng đèn flash khi quay với một chủ thể nhỏ và nên căn cự ly hợp lý.
2. Giảm khung hình/giây
Đây là một mẹo rất hay mà ít người để ý tới.
Cách đây không lâu mình có mua một chiếc Osmo. Camera của Osmo có độ nhạy sáng cực kém, thậm chí còn kém hơn cả một số smartphone.
Trong lúc cả màn hình toàn một màu đen, mình mày mò chỉnh khung hình từ 30fps (30 frame/giây) xuống 24fps (24 frame/giây) thì phép màu đã xảy ra. Hình ảnh sáng hơn rõ rệt.
Tại sao lại có hiện tượng như vậy?
Lưu ý: Khung hình/giây hay còn gọi là FPS khác với tốc độ màn trập (shutter speed). FPS – là số khung hình xuất hiện trong một giây của video. (Bản chất video cấu tạo từ nhiều hình ảnh nối tiếp với nhau). Shutter speed: Tốc độ chụp hình ảnh tính trên 1 giây. Ví dụ shutter 1/30s thì 1 giây camera sẽ chụp được 30 khung hình..
Giữa khung hình và tốc độ màn trập có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi số lượng khung hình/giây tăng thì shutter speed cũng tăng theo và ngược lại.
Trong trường hợp này, mình giảm số lượng khung hình xuống còn 24fps, đồng nghĩa shutter speed cũng giảm theo. Tốc độ màn trập giảm thì lượng ánh sáng vào cảm biến sẽ nhiều hơn. Hình ảnh sáng hơn là hiển nhiên.
Vậy làm thế nào để áp dụng phương pháp này với smartphone. Bạn hãy vào phần seting của camera để kiểm tra. Ví dụ như ở chiếc iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone X sẽ như thế này:
Vào Seting – Camera – Record Video – chọn độ phân giải Video và kiểu khung hình bạn muốn.
Tuy nhiên thường chỉ những chiếc smartphone cao cấp mới cho phép bạn tùy chỉnh tính năng này. Nếu bạn đang sở hữu một chiếc điện thoại bình thường, cũng đừng quá lo lắng, bởi chúng ta vẫn còn một số giải pháp khác.
3. Chuyển camera từ chế độ Auto sang Manual
Trong trường hợp 2 phương án kể trên chưa hiệu quả, bạn cũng có thể chuyển camera từ chế độ Auto (tự động) sang Manual (chỉnh tay).
Ở một số dòng điện thoại android, bạn có thể dễ dàng chuyển sang Manual. Nhưng đa phần ứng dụng máy ảnh của smartphone (gồm cả iPhone) không có tính năng này.
Có một giải pháp là bạn sử dụng ứng dụng camera từ các nhà phát triển khác. Có rất nhiều app chuyên nghiệp dành cho quay phim cho phép bạn tùy chỉnh sâu hơn.
Hãy ưu tiên chỉnh các thông số theo thứ tự sau:
- Mở tối đa khẩu độ
- Giảm shutter speed
- Tăng iso
Ví dụ như ở ứng dụng Musemage này, khi bạn chuyển sang Manual sẽ có thấy có hai thước kẻ vòng cung để bạn chỉnh ISO và Shutter.
Tùy từng hoàn cảnh mà bạn quyết định giảm shutter hay tăng ISO để tăng sáng cho hình ảnh.
Chẳng hạn bạn quay cảnh tĩnh hoặc cố tình tạo hiệu ứng “motion blur” (cảm giác vật bị nhòe đi khi chuyển động nhanh) thì có thể giảm tốc độ màn trập. Trường hợp này bạn nên sử dụng tripod để giảm thiểu rung lắc.
Kỹ thuật phơi sáng giảm tốc độ màn trập khiến chuyển động của các phương tiện bị nhòe đi tạo ra các vệt sáng
Nếu vẫn muốn giữ các chuyển động được rõ nét, bắt buộc bạn phải tăng ISO. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng bởi ISO chẳng khác nào con dao hai lưỡi. Hãy đọc tiếp để hiểu rõ hơn.
4. Luôn kiểm soát ISO
Theo kinh nghiệm của mình, 90% hình ảnh bị xấu là do không kiểm soát được ISO.
ISO quá cao sẽ khiến hình ảnh của bạn vị vỡ và xuất hiện các hạt nhiễu.
Trong môi trường thiếu sáng, mặc định smartphone sẽ tự động mở tối đa khẩu độ tối đa và đẩy ISO lên cao. Nhìn trên màn hình điện thoại thì hình ảnh trông có vẻ như đủ sáng và bắt mắt nhưng khi xem lại trên máy tính bạn mới thất vọng vì chất lượng thực sự của nó.
Bài học rút ra: Bạn nên thử nghiệm nhiều dải ISO khác nhau để biết được “giới hạn” ở chiếc smartphone của bạn. Cá nhân mình thà chấp nhận để ISO thấp, hình ảnh tối hơn một chút còn hơn bị nhiễu hạt.
5. Chú ý cân bằng trắng
Quay phim vào ban đêm với đèn led hoặc dưới ánh đèn sân khấu smartphone rất dễ bị “hiểu lầm” về màu sắc. Thậm chí các máy ảnh, máy quay chuyên nghiệp cũng không tránh khỏi.
Điều này có thể dẫn tới hậu quả mặt mũi nhân vật bị xanh, đỏ, các màu sắc khác cũng hiển thị không đúng với thực tế.
Do vậy, Bạn nên tìm hiểu thêm kiến thức cơ bản về cân bằng trắng.
6. Sử dụng filter lọc màu
Thông thường, chúng ta sử dụng filter lọc màu để tạo phong cách cho video. Tuy nhiên các hiệu ứng màu sắc còn giúp video giảm nhiễu trong điều kiện thiếu sáng. Đặc biệt khi bạn quay phim với hiệu ứng đơn sắc (đen – trắng), hình ảnh vẫn rất ổn.
Ngoài các phương pháp kể trên, bạn cũng có thể xử lý hậu kỳ bằng phần mềm để cải thiện chất lượng hình ảnh. Ví dụ sử dụng tính năng khử noise, cân bằng lại màu sắc… Tuy nhiên hãy chỉ coi đây như phương án cuối cùng và đừng hi vọng nó có thể giúp bạn “lật ngược tình thế”.
Tóm lại, trong các giải pháp quay phim thiếu sáng kể trên, bổ sung nguồn sáng vẫn là giải pháp ưu tiên hàng đầu. Sau đó, bạn mới tính tới các phương án còn lại.
Hi vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn có thêm một số kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh cũng như quay phim tốt hơn trong điều kiện thiếu sáng. Ngoài smartphone, bạn cũng có thể áp dụng với bất kỳ thiết bị máy quay, máy ảnh chuyên nghiệp nào./
Ưu nhược điểm của quay vlog bằng điện thoại
14/03/2022
-
0 Bình luận
[Review] Micro không dây CORKT - sóng khỏe, âm thanh rõ nét
10/03/2022
-
0 Bình luận
Đánh giá microphone định hướng Boya BY MM1+
08/03/2022
-
1 Bình luận
Cách quay phim bằng điện thoại đẹp như dân chuyên nghiệp (update)
14/03/2022
-
0 Bình luận
Dựng phim trên máy cấu hình yếu với Adobe Premiere CC
13/03/2022
-
0 Bình luận
Đồng bộ âm thanh trong Premiere CC dễ dàng không cần plugin
13/03/2022
-
0 Bình luận